Giao chiến ở Gaza
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 31.10 thông báo,ừchốingừngbắntiếnsâuhơnvàhotlive trong vòng 24 giờ, lực lượng này đã tấn công khoảng 300 mục tiêu, bao gồm các bệ phóng tên lửa chống tăng và rốc két, cũng như các khu phức hợp quân sự bên trong hệ thống đường hầm dưới lòng đất của Hamas ở Gaza. Người phát ngôn IDF Jonathan Conricus cùng ngày cho biết các hoạt động trên bộ của Israel đang tập trung vào phía bắc Gaza, bao gồm TP.Gaza, nơi ông cho là "đầu não của Hamas".
"Chúng tôi cũng tiếp tục tấn công các khu vực khác ở Gaza. Chúng tôi đang truy lùng các chỉ huy của Hamas, tấn công cơ sở hạ tầng của họ và bất cứ khi nào có mục tiêu quan trọng liên quan Hamas, chúng tôi sẽ tấn công mục tiêu đó", AP dẫn lời ông Conricus phát biểu trong một cuộc họp báo.
Lữ đoàn Al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas, cho biết đã đụng độ với lực lượng Israel "xâm chiếm trục phía nam Gaza" vào đầu ngày 31.10, trong đó các tay súng Hamas đã sử dụng súng máy và súng phóng lựu chống tăng Al-Yassin 105 mm. Hamas cũng tấn công hai xe tăng và máy ủi của Israel ở phía tây bắc Gaza bằng tên lửa, theo Reuters.
Trước đó, Israel thông báo đã giải cứu một binh sĩ nước này bị Hamas bắt về Gaza làm con tin. Theo IDF, quân nhân Ori Megidish, một trong 239 con tin mà chính quyền Israel xác nhận, đã trở về với gia đình và khỏe mạnh. Đây là trường hợp con tin đầu tiên được giải cứu thành công mà không phải do Hamas chủ động thả người.
Bên cạnh những người bị bắt làm con tin, hơn 1.400 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bất ngờ của Hamas khắp miền nam Israel hôm 7.10. Israel đáp trả bằng việc tuyên chiến với Hamas, tổ chức chính trị - quân sự Palestine đã quản lý Gaza kể từ năm 2007. Theo giới chức ở Gaza, hơn 8.300 người đã thiệt mạng và hơn 20.000 người bị thương trong chiến dịch bắn phá của Israel nhằm vào dải đất này kể từ ngày 7.10.
Bất chấp khủng hoảng nhân đạo ngày một trầm trọng ở Gaza, Thủ tướng Netanyahu một lần nữa bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn để giải cứu con tin hoặc chấm dứt xung đột. "Kêu gọi ngừng bắn là lời kêu gọi Israel đầu hàng Hamas. Chuyện đó sẽ không xảy ra", AP dẫn lời ông nói trong cuộc họp báo cuối ngày 30.10.
Không nơi nào an toàn
Người phát ngôn IDF cho hay khoảng 800.000 người đã rời bỏ nhà cửa ở phía bắc Gaza để chạy về phía nam theo yêu cầu của Israel. Tuy nhiên, hàng chục ngàn người vẫn còn ở trong hoặc xung quanh TP.Gaza, và thương vong dự kiến sẽ tăng lên ở cả hai bên khi địa bàn giao tranh dịch chuyển vào các khu dân cư đông đúc.
Cơ quan LHQ về người tị nạn Palestine (UNRWA) cho biết gần 672.000 người Palestine đang trú ẩn trong các trường học và các cơ sở khác của họ, tức cao gấp 4 lần so với sức chứa của những nơi này. Hàng ngàn người đã đột nhập các kho tập kết hàng cứu trợ vào cuối tuần trước để lấy thực phẩm, dấu hiệu cho thấy tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng.
Người đứng đầu UNRWA Philippe Lazzarini cáo buộc Israel "trừng phạt tập thể" người Palestine và ép họ phải chạy loạn. "Mức độ tàn phá là chưa từng có, thảm kịch của con người đang diễn ra dưới sự chứng kiến của chúng tôi là không thể chịu nổi. Không có nơi nào an toàn ở Gaza", ông nói với Hội đồng Bảo an LHQ vào tối 30.10.
Chiến sự lan sang Syria
Ông Geir Pedersen, đặc phái viên LHQ tại Syria, cảnh báo xung đột giữa Israel và Hamas đang lan sang Syria, quốc gia vẫn chưa tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến đã kéo dài 12 năm. Theo ông Pedersen, người dân Syria đang phải đối mặt với "viễn cảnh đáng sợ về sự leo thang quy mô lớn hơn có thể xảy ra".
"Việc xung đột lan sang Syria không chỉ là rủi ro, chuyện đó đã bắt đầu rồi", AP dẫn lời quan chức trên nói với Hội đồng Bảo an LHQ hôm 30.10. Ông chỉ ra bằng chứng là các cuộc không kích nhằm vào sân bay ở Aleppo và Damascus (thuộc Syria) mà Syria cáo buộc do Israel thực hiện, cũng như sự trả đũa của Mỹ sau khi nước này tố các nhóm được Iran hậu thuẫn tấn công lực lượng của Washington tại Trung Đông, bao gồm ở Syria.